Wednesday, May 14, 2008

Tuong Nho cau Toi




TƯỞNG NHỚ CẬU TÔI,
CỰU TRUNG TƯỚNG
DƯ QUỐC ĐỐNG

Dân Biểu TRẦN THÁI VĂN

LTS: Đây là bài tưởng niệm về cố Trung Tướng Dư Quốc Đống của Dân biểu Trần Thái Văn đã được đọc trong phiên họp khoáng đại Hạ Viện Tiểu Bang California vào ngày thứ Hai vừa qua.

Cựu Trung Tướng Dư Quốc Đống (ảnh tài liệu)

Tôi vô cùng đau buồn và thương tiếc khi đứng lên kết thúc buổi họp này để tưởng nhớ tới người cậu ruột yêu quý của tôi, ông Dư Quốc Đống, vừa từ trần sau một thời gian dài lâm bệnh tại thành phố Huntington Beach, hưởng thọ 76 tuổi.
Đối với tôi và nhiều người từng phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dưới quyền của ông, Cậu Đống là một người có nhiều huyền thoại. Ông là vị tướng 3 sao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến Việt Nam. Như bao thanh niên Việt Nam trẻ vào thời điểm chiến tranh đó, ông đã dành trọn tuổi thanh xuân và những năm đẹp nhất của cuộc đời mình đứng lên bảo vệ người dân miền Nam Việt Nam khỏi tai họa Cộng sản. Ông là một người có vóc dáng cao lớn, được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Đối với hàng triệu người Việt từng sống trong thời chinh chiến, Cậu Đống là một nhân vật được cả nước biết đến và là một nhà lãnh đạo quân đội lỗi lạc của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông được người Pháp huấn luyện để trở thành lính nhảy dù và đã tốt nghiệp Khóa 5 sĩ quan hiện dịch Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt vào năm 1952. Qua nhiều thành tích quân sự, Cậu Đống đã dần dần thăng tiến đời binh nghiệp trong Sư Đoàn Nhảy Dù thiện chiến gồm toàn những người chiến binh tình nguyện. Đây cũng chính là gia đình và mái ấm thứ nhì của ông. Ngày nay, dấu vết của cuộc chiến vẫn còn hằn trên thân sác của ông.
Trong cuộc đời binh nghiệp, Cậu Đống đã đảm nhận nhiều chức vụ chỉ huy từ cấp trung đội, đại đội, tiểu đoàn, chiến đoàn, lữ đoàn và cuối cùng là tư lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù. Ông là một vị tướng và nhà quân sự thật sự xông pha trận mạc. Trong cương vị một nhà chỉ huy quân sự, ông đã làm cho quân thù khiếp sợ nhưng những người lính dưới quyền kính trọng.
Chức vụ cuối cùng của ông là Tư Lệnh Quân Đoàn III và Quân Khu III bao gồm thủ đô Sài Gòn và 11 tỉnh phụ cận. Ông từ chức vào đầu năm 1975 như một hành động phản đối thầm lặng khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chối yêu cầu tăng viện cho mặt trận Tỉnh Phước Long, mà sau đó mặt trận này đã bị Cộng sản Bắc Việt tràn vào. Lịch sử cho thấy việc mất tỉnh Phước Long là khởi đầu cho sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam. Ông không còn giữ chức vụ chỉ huy nào nữa cho đến khi Sài Gòn thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ông rời khỏi Sài Gòn vào ngày 29 tháng 4 khi miền Nam sụp đổ.
Trong 26 năm phục vụ trong quân ngũ, Cậu Đống đã được trao tặng nhiều huy chương và bằng tưởng lục của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Quân đội Hoa Kỳ cũng trao cho ông những huy chương cao quý, trong số đó có huy chương Legion of Merit và Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao bạc (Silver Star). Tôi có tò mò dò hỏi ông được vài điều lý thú. Ông cho biết vị tư lệnh quân lực Hoa Kỳ trong chiến dịch Bão Sa Mạc là tướng Norman Schwarzkopf nổi tiếng với biệt danh “bão táp” đã từng phục vụ dưới quyền Cậu Đống trong vai trò thiếu tá cố vấn quân sự cho tiểu đoàn nhảy dù trong các năm 1965 và 1970. Cậu Đống cũng đã từng quen biết Đô Đốc Jack McCain, là Tổng Tư Lệnh của tất cả lực lượng Hoa Kỳ tại vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Cố Đô Đốc này là thân phụ của Thượng Nghị Sĩ John McCain. Vì mối quan hệ cá nhân này mà tôi, với tư cách là cháu của Tướng Đống, đã quyết định ủng hộ Thượng Nghị Sĩ McCain trong cuộc tranh cử Tổng Thống Hoa Kỳ để tỏ lòng biết ơn ông và thân phụ của ông đã sát cách chiến đấu chống Cộng Sản cùng chúng ta.
Nhưng đối với tôi, Tướng Dư Quốc Đống chỉ đơn giản là cậu Ba của tôi, là anh của mẹ tôi, là người mà trong suốt bao nhiêu năm qua, những đứa cháu như tôi coi Cậu như là một người cha thứ hai. Cậu và Dì tôi không có con nên nhận những đứa cháu như là con ruột của mình. Chúng tôi gần gũi thân thiết với ông. Em trai tôi, John (Sinh), một bác sĩ chỉnh nha hiện sống tại Sunnyvale, đã trở thành con nuôi của ông và lấy họ của ông làm họ của mình. Mặc dù dày dạn chinh chiến trận mạc nhưng Cậu tôi lại là một người hay quan tâm tới người khác, đầy lòng độ lượng, và có một trái tim bao dung.
Khi tôi bước chân vào nghiệp chính trị, thoạt đầu Cậu Đống không đồng ý. Ông là loại người thẳng thắn có sao nói vậy, không thích những nhà chính trị nói nhiều và ông cũng chẳng có coi trọng nghề này. Nhưng vì thương và muốn ủng hộ người cháu ruột của mình, cậu và dì đã bỏ thì giờ tham dự nhiều buổi gây quỹ khi tôi vận động tranh cử cho chức vụ nghị viên thành phố và sau này cho chức chức vụ dân biểu tiểu bang. Tôi luôn tự hỏi không biết ông cậu mình nghĩ gì khi phải ngồi đó và kiên nhẫn lắng nghe nhiều bài diễn văn và những lời ca tụng tâng bốc trong một khung cảnh đầy người lạ.
Từ ngày định cư tại Hoa Kỳ, Cậu Đống sống đời lặng lẽ và bình dị, chẳng bao giờ nhìn lại quá khứ và nhắc lại cuộc chiến đã qua. Như một chiến sĩ cố gắng hết sức làm tròn bổn phận, ông chấp nhận số phận và kết quả bi thảm của cuộc chiến Việt Nam mà không hề than trách hay đổ thừa trách nhiệm cho kẻ khác. Nhưng đôi khi, tôi nhận ra trong ánh mắt có sự đau buồn chiến bại và sự mất mát của cả một thế hệ, dĩ nhiên trong đó có ông.
Cậu Đống xem Hoa Kỳ như quê hương thứ hai, đã cưu mang gia đình ông, và yêu quý những cơ hội và sự tự do đất nước này đã đem đến. Ông cần mẫn làm việc để nuôi dưỡng gia đình trong cuộc sống hàng ngày. Ông đã về hưu sau 13 năm phục vụ cho Hội Bác Ái Công Giáo (Catholic Charities) tại Los Angeles trong cương vị là người cố vấn tìm công ăn việc làm cho người di dân.
Cậu Đống đã ngã bệnh trong vài năm gần đây nhưng ông vẫn minh mẫn và nói chuyện rất nhiều vào lần cuối khi tôi viếng thăm ông vài tuần trước đây tại một nhà dưỡng bệnh trong vùng. Tôi đem cho ông gói bắp rang hiệu Cracker Jack, loại có đường thắng và cereals theo lời yêu cầu của ông. Cậu tâm sự với tôi, sẽ không sống khỏi năm nay. Tôi vấn an Cậu, vấn an Cậu hãy bỏ những ý nghĩ đó đi và cố gắng chữa trị để mau sớm bình phục. Cho nên, được tin Cậu mất không làm tôi bàng hoàng sửng sốt nhưng làm tôi ngạc nhiên sự ra đi của Cậu đến thật mau lẹ như vậy. Khi tôi đứng tại phòng họp của Hạ Viện Tiểu Bang, tôi nhìn lại cuộc đời mong manh và phù du, ngay cả đối với một người chiến sĩ không biết sợ hãi là gì như Cậu tôi.
Trong khoảng khắc thương tiếc và suy ngẫm về cậu Đống, tôi chỉ muốn chia sẻ với quý vị, là những bạn hữu và đồng viện của tôi tại Quốc Hội, một câu chuyện về đời tư cũng như công của người Cậu vừa quá cố của tôi, Trung Tướng Dư Quốc Đống. Ông là người đã tham gia ở tuyến đầu và là một nhân vật dự phần trong một cuộc chiến lịch sử và đầy tranh luận, mà sẽ mãi mãi ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, người Việt cũng như Mỹ. Chúng ta hãy cầu xin cho ông ra đi trong thanh thản, sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Kể từ nay, sự đau đớn trên thể xác lẫn tinh thần, Cậu tôi không còn phải âm thầm chịu đựng như những ngày tháng, năm qua. Nay tất cả đã qua đi. Xin cám ơn Thượng Đế.

Le Phu Ky




Trung Tuong James Vaught Co Van Su Doan Nhay Du / Thoi Gian Trung Tuong Du Quoc Dong Tu Lenh Su Doan Nhay Du

Cố Trung Tướng Dư Quốc Đống, Tư Lệnh Sư Đoàn Dù đã mệnh chung ngày 22 Tháng Tư, 2008 tại Hungtington Beach, CA hưởng thọ 76 tuổi. Trong niềm thương tiếc vô vàn, các cựu quân nhân Gia Đình Mũ Đỏ nhiều nơi đã tề tựu về đây, trang trọng tổ chức tang lễ. Buổi chiều lúc 5:30 ngày 2 Tháng 5, để tỏ lòng biết ơn một chiến sĩ quả cảm, một cấp chỉ huy nhân hậu, tài ba, để tiễn đưa vị huynh trưởng kính mến, khoảng một trăm cựu quân nhân Gia Đình Mũ Đỏ đã trang trọng cử hành lễ phủ cờ Quốc Gia VNCH lên quan tài của Cố Trung Tướng Du Quốc Đống. Đây là một nghi lễ đặc biệt để ghi nhận, để đền đáp tấm lòng trung kiên, tinh thần tận tụy của Trung Tướng đối với binh chủng Nhảy Dù , đối với Quân Lực VNCH và đối với Quốc Gia Dân Tộc Việt Nam.
Quan tài được đặt trong một phòng rộng, bên trái phía đầu quan tài có cờ vàng Việt Nam CH và quân kỳ Nhảy Dù, bên phải có cờ Trung Tướng và hoa tươi kết hình huy hiệu Dù “con ó và cánh dù trên nền đỏ”, phía sau quan tài, dọc theo tường tràn ngập những vòng hoa tuyệt đẹp.
Trong lời vinh danh trước nghi lễ phủ kỳ, Cựu Đại Uý Phạm Ngọc Đăng đã giới thiệu, suốt cuộc đời binh nghiệp Trung Tướng Dư Quốc Đống đã sống trọn tình đồng đội với anh em Mũ Đỏ và các chiến sĩ trong QLVNCH. Cố Trung Tướng đã tận tụy phục vụ dưới lá quốc kỳ linh thiêng, sát cánh với thuộc cấp của mình trong những lúc khó khăn nhất, Trung Tướng rất xứng đáng cho chúng ta ngưỡng mộ.
Ba vị cựu quân nhân đại diện GĐMĐ là Cựu Đại Tá NguyễnVăn Tường, Cựu Đại Tá Lê Văn Phát, Cựu Trung Tá Lê Ngọc Tỉnh, được mời lên niệm hương trước bàn thờ. Ngay sau đó tất cả mọi người đứng dạy nghiêm chào, nhạc khai quân hiệu trầm hùng trổi lên. Theo lệnh, sáu cựu quân nhân Nhảy Dù trong toán danh dự tiến vào vị trí hành lễ, đến gần quan tài, vị chỉ huy trang trọng nói: ”Xin linh hồn Huynh Trưởng Dư Quốc Đống chấp nhận nghi lễ phủ cờ này”. Lá quốc kỳ VNCH được sáu cựu quân nhân trải rộng ra thật thẳng rồi nhẹ nhàng phủ lên quan tài theo lễ nghi quân cách phủ kỳ trong tiếng quân nhạc.
Tiếp theo là một phút mặc niệm và lễ truy điệu, tiếng kèn oai oán trổi lên, sau đó là băng ngâm thơ, để tưởng nhớ Cố Trung Tướng Dư Quốc Đống. Nhân dịp này mọi người cùng tưởng nhớ truy điệu những quân cán chính đã hy sinh vì chính nghĩa quốc gia và những anh em Nhảy Dù đã có công tô thắm màu cờ Quốc gia làm rạng danh GĐMĐ VNCH, đem an bình no ấm cho đồng bào. Sau đó nhiều người đến thắp hương và cầu nguyện trước bàn thờ Cố Trung Tướng Dư Quốc Đống.
Ngày hôm sau, 3 Tháng 5, chương trình lễ tưởng niệm Cố Trung Tướng Dư Quốc Đống được bắt đầu lúc 11:30 sáng, với sự hiện diện của hơn hai trăm quan khách, trong đó có khoảng một trăm cựu quân nhân Sư Đoàn Dù trong quân phục chỉnh tề. Trong số những quan khách tham dự có Cựu Trung Tướng Tôn Thất Đính, Chuẩn Tướng Lê Văn Tư, Mục sư Trần Thanh Vân, Ủy Ban Liên Tôn VN tại HK, Ông Nguyễn Văn Giàu , Hòa Hảo…
Mở đầu Cựu Đại Tá Nguyễn Phúc Hùng, Khóa 5 Hoàng Diệu Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt bày tỏ lòng thương tiếc và đọc tiểu sử của Cố Trung Tướng Dư Quốc Đống.
Kế đến Cựu Trung Tá Phạm Đình Cung, Chi Hội Trưởng Chi Hội GĐMĐ Nam Cali đại diện GĐMĐ cảm ơn quan khách tham dự và đọc điếu văn. Ông nói, chúng tôi hôm nay tất cả đang hiện diện đông đủ, quân nhân các cấp thuộc binh chủng Nhảy Dù, những người lính hằng chiến đấu và nhận lệnh chỉ huy trực tiếp của Tư Lệnh từ hơn hai mươi năm truớc…Trung Tướng là một trong những Tư Lệnh kiệt liệt của đạo binh nhân nghĩa, Sư Đoàn Nhảy Dù - binh chủng bách thắng uy vũ cùa Quân Lực VNCH”.
Trong bài điếu văn này nhiều chiến trận lẫy lừng mà Cố Trung Tướng Du Quốc Đống đã tham dự, từ binh biến Bình Xuyên đến Bình Giả, Đồng Xoài, Pleime, Pleiku, Thung lũng Sông Ia Drang, Tổng công kích toàn cõi Miền Nam Tết Mậu Thân, Tây Ninh, Hạ Lào, KongTum, An Lộc, Quảng Trị… được nhắc lại. Các giới chức chỉ huy trong binh chủng Nhảy Dù luôn luôn nghe từ hệ thống truyền tin…”Đây Bạch Long , có sĩ quan nào đầu máy?” Và Bạch Long xuống trực thăng chỉ huy bất cứ đơn vị hành quân nào…dẫu là rừng sâu hay Thung lũng Tử Thần (Death Valley). Bạch Long là vị Tư Lệnh độc nhất đã chiến đấu bên cạnh chiến sĩ của mình… Trung Tướng Dư Quốc Đống không hề vắng mặt một trận chiến nào, Người cũng là vị Tư Lệnh của chiến trường uất hận cuối cùng của Miền Nam, Phước Long Tháng 12/1974.
Cựu Đại Tá Nguyễn Văn Tường, Chủ tịch BCH/TƯ – GĐMĐVN Trung Ương đã đại diện cho các anh em trong Sư Đoàn Dù phát biểu rằng dưới sự chỉ huy của Trung Tướng, binh chủng Nhảy Dù đã chiến đấu thật kiên cường, chưa bao giờ phải khuất phục thất bại trước đối phương. Các nhà bình luận quân sự trên thế giới thừa nhận Sư Đoàn Nhảy Dù là một trong những sư đoàn thiện chiến nhất thế giới. Theo ông, sự trưởng thành của Sư Đoàn Nhảy Dù là nhờ Trung truớng rất nhiều, nên tất cả anh em Nhảy Dù có một cảm tình rất là sâu xa đối với vị tư lệnh của mình.
Ông nói tiếp, con đường đi tới để hoàn thành nhiệm vụ còn rất nhiều chông gai và thời gian, giờ đây Trung Tướng đã về yên nghỉ nơi Nước Chúa xin hãy phù trợ cho mỗi người anh em chiến binh Dù luôn có nghị lực và sức khỏe để hoàn thành trách nhiệm đã nhận lãnh…
Trong suốt thời gian tưởng niệm, nhiều quân nhân Dù xúc động ứa nước mắt vì thương mến vị chỉ huy của họ cũng như khi nghe nhắc lại những chiến tích lẫy lừng in sâu trong tâm khảm của họ.
Trong dịp này Trung Tướng James B. Vaught, Cố vấn HK đến từ Myrtle Beach, South Carolina được mời lên phát biểu, ông nhắc lại những kỷ niệm lúc làm việc với Cựu Trung Tướng Dư Quốc Đống từ Tháng Tư, 1971, ông nhắc lại ông và Cựu Trung Tướng Dư Quốc Đống coi nhau như anh em ruột. Ông được chỉ định đến đề làm Cố Vấn thật ra chỉ để giúp đỡ, hợp tác . Ông ca ngợi Trung Tướng Dư Quốc Đống là người can đảm, tài ba. Trước khi dứt lời, Ông Vaught đã xin lỗi cách đối xử của HK đối với dân tộc VN. Vào năm 1973, lúc đó QLVNCH sắp chiến thắng, Cựu Tổng Thống Nixon muốn được tái đắc cử nên ông ta đem quân đội HK về nước. Theo Hiến Pháp HK thì Tổng Thống là vị Tổng Tư Lệnh, là quân nhân, chúng tôi là những quân nhân đã tuyên thệ phải tuân theo lệnh cấp trên. Hoa Kỳ đã hy sinh trên 50 ngàn chiến binh trong nỗ lực giúp quý vị chiến thắng và quý vị sắp chiến thắng. Nhưng những nhà chính trị đã quyết định bỏ rơi những người bạn đồng minh. Hoa Kỳ đã để cho quý vị không có cách nào để tự vệ chống lại Cộng Sản Bắc Việt. Và chúng tôi, Hoa Kỳ sẽ làm y như vậy bây giờ, trong chiến tranh Iraq. Hoa Kỳ sắp sửa lập lại sự ngu xuẫn trước đây. Một lần nữa tôi xin lỗi về cách xử sự của quốc gia chúng tôi, họ đã để cho quý vị phải đương đầu mọi khó khăn một mình… Khi Tướng Vaught dứt lời, mọi người trong tang lễ đứng dậy vỗ tay vang dội.
Dân biểu Quốc Hội California Trần Thái Văn, cháu ruột của Cựu Trung Tướng Dư Quốc Đống, có vài lời cảm tạ và chia sẻ với các bậc trưởng thượng . Dân biểu Văn nói, “Cậu Ba” có ra đi, nhưng chí khí vẫn còn mãi mãi. Như Bác Tường đã nói, cuộc chiến chưa xong , nhưng với tất cả những sự hy sinh và mất mát của thế hệ thứ nhất để bảo vệ sự tự do và dân chủ của Miền Nam VN, thế hệ thứ nhì như chúng tôi và các bạn đồng lứa sẽ tiếp tục tranh đấu để đem ngọn lửa chính nghĩa đó đến với nhân dân VN và cộng đồng VN chúng ta. Đó là lời hứa và trách nhiệm tối thiểu mà thế hệ thứ nhì, các hậu duệ của quý vị có thể làm được và chúng tôi xin nhân cơ hội này mà cùng hứa với quý vị và chúng ta không quên trách nhiệm đó. (Tiếng vỗ tay vang dội).
Sau đó Dân biểu Trần Thái Văn có một vài lời với người cậu thân yêu của ông là Trung Tướng Dư Quốc Đống. Bằng một giọng đầy xúc động, ứa lệ Dân biểu Trần Thái Văn nhắc lại nhiều kỷ niệm với “Cậu Ba” của ông làm không khí tang lễ thêm phần xúc động.
Những ngưới thân trong gia đình Cựu Trung Tướng lần lượt được mời lên phát biểu cảm tưởng hay cảm tạ quan khách. Được biết lễ di quan được bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều , mọi người tiễn đưa được mời lên xe bus đi đến nhà hỏa táng và lễ thu cờ được thực hiện ở đây.(Theo VietBao Online)
Cập nhật: May 05 2008 10:10:30.

Tang Le






Cựu Ðại Tá Nguyễn Phúc Hùng đọc điếu văn trước linh cữu cố Trung Tướng Dư Quốc Ðống.
Bài và hình: Nguyên Huy/Người Việt
HUNTINGTON BEACH, California (NV) - Sáng hôm qua 3 Tháng Năm, tại nhà thờ First United Methodist Church, Huntington Beach, gia đình Mũ Ðỏ QLVNCH cùng gia đình cố Trung Tướng Dư Quốc Ðống và thân hữu đã làm lễ trọng thể tiễn đưa linh cữu cố trung tướng đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Là một trong những tướng lãnh chiến trường của QLVNCH, cố Trung Tướng Dư Quốc Ðống đã được hầu hết chiến binh QLVNCH, trong và ngoài binh chủng nhẩy dù ngưỡng phục. Trong bài kể lại tiểu sử vị tướng lãnh chiến trường này, Ðại Tá Nguyễn Phúc Hùng đã lược kể những lần vinh thăng của cố trung tướng đều diễn ra tại mặt trận.
Xuất thân từ khóa 5 Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, cố Trung Tướng Dư Quốc Ðống đã chỉ huy từ cấp trung đội cho đến quân đoàn chỉ trong một thời gian 18 năm và đã trải qua khắp các mặt trận quan trọng trong cuộc chiến tranh chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lăng.
Về phương diện chỉ huy, cố Trung Tướng Dư Quốc Ðống cũng là một vị chỉ huy được binh sĩ dưới quyền yêu mến nể phục vì đức độ cũng như tài năng. Vẫn theo lời Ðại Tá Nguyễn Phúc Hùng, trong bài điếu văn trên thì: “Cố Trung Tướng Dư Quốc Ðống đã là một cấp chỉ huy làm cho binh chủng dù của QLVNCH thành một binh chủng thiện chiến, có tinh thần chiến đấu cao, có kỷ luật nghiêm minh thường được người dân tôn vinh người lính dù VNCH là ‘Những Thiên Thần Mũ Ðỏ.’”
Cựu Trung Tá Phạm Ðình Cung, đại diện cho anh em Mũ Ðỏ, cũng đã đọc một điếu văn nhắc lại công trạng của một người anh cả trong binh chủng. Người anh cả ấy lúc nào cũng có mặt cùng anh em trên khắp các chiến trường đỏ lửa, từ Bình Giả, Ðồng Xoài đến Pleiku, Kontum qua các trận vượt biên phá hậu cần địch... nơi nào người chiến binh tham chiến cũng được nghe thấy tiếng nói của Bạch Long, danh hiệu của “Ðích Thân” trong máy truyền tin.
Bây giờ tiếng nói ấy còn vẳng lại trong tâm trí người lính Dù “Ðây Bạch Long! Ðây Bạch Long! Nghe rõ trả lời...”
Dân Biểu Tiểu Bang California Trần Thái Văn, người cháu gọi Trung Tướng Dư Quốc Ðống bằng cậu (em ruột mẹ), cũng đọc một bài điếu văn đầy xúc cảm trong buổi lễ tiễn đưa này.
Vào ngày hôm trước, Gia Ðình Mũ Ðỏ cùng các cựu chiến sĩ QLVNCH thuộc các quân binh chủng đã làm lễ Phủ Cờ thật trang trọng cho người chiến sĩ đã từng chiến đấu anh dũng dưới ngọn cờ này.
Lễ tiễn đưa linh cữu cố Trung Tướng Dư Quốc Ðống sau đó đã được anh em trong Gia Ðình Mũ Ðỏ, các vị trong Hội Ðồng Liên Tôn và gia đình cố trung tướng cùng thân hữu đưa đến tận nơi an nghỉ cuối cùng trong một nghĩa trang tại thành phố Fullerton. (N.H.)

Trung Tuong Du Quoc Dong




Tướng Dư Quốc Đống sinh Tháng 12 năm 1932 tại Minh Lương tỉnh Rạch Giá, Khi còn nhỏ theo học tại trường Tư thục Võ Thành Trứ về sau lên Sài Gòn học tại tư thục Guillerault trên đường Chasseloup Laubat ( Hồng Thập Tự )
Gia nhâp quân đội khóa 5 Hoàng Diệu, Trường Vỏ Bị Quốc Gia Việt Nam khai giảng vào tháng 7/1951 và mãn khóa ngày 24/4/1952. Sau khi tốt nghiệp Ông được đưa về phục vụ tại Tiểu Đoàn 4 Vệ Binh Sơn Cước tai Pleiku đến một năm sau mới tình nguyện thuyên chuyển về Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù.
Khi về Nhảy Dù, Thiếu Úy Dư Quốc Đống giữ chức vụ Trung Đội Trưởng Tiểu Đoàn 1 ND dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Vũ Quang Tài, Tiểu Đoàn Trưởng.
Năm 1954, Ông được thăng cấp Trung Úy và giữ chức vụ Đại Đội Trưởng khi tham gia chiến dịch càn quét lực lượng Binh Xuyên ra khỏi Đô Thành Sài Gòn năm 1955. Sau trận nầy Ông được thăng cấp đặc cách Đại Úy nhiệm chức.
Cũng trong năm nầy, Thiếu Tá Vũ Quang Tài giao quyền chỉ huy Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù cho Đại Úy Trần Văn Đô làm Tiểu Đoàn Trưởng, Ông được chỉ định làm Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù. Trong lúc nầy có một khoảng thời gian ngắn ông được chỉ định xử lý thường vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ6ND trước khi Đại Úy Đổ Kế Giai về nhiệm chức Tiểu Đoàn Trưởng TĐ6ND.
Năm 1957, Ông được Đại Tá Nguyễn Chánh Thi Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm huấn luyện đào tạo Hạ Sĩ Quan Nhảy Dù với các bằng CC1, CC2 (Chứng Chỉ năng lực tác chiến). Đến năm 1959 ông được đề cử giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1ND.
Năm 1958 ông được bổ nhiệm chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù .
Đến năm 1959 ông thuyên chuyển về giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1ND. Ngày đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm 11/11/1960 do nhóm Vương Văn Đông chủ trương ông không có mặt tại Tiểu Đoàn.
Tháng 6 / 1961, sau chiến thắng Kiến Phong ( trận Ấp Mỹ Qúi ) tất cả quân nhân của TĐ1ND đều được đặc cách thăng một cấp và ông được thăng cắp Thiếu Tá tại mặt trận.
Đến năm 1962, chiến cuộc ngày càng gia tăng, và theo nhu cầu phát triển của Quân Đội, Lữ Đoàn Nhảy Dù thành lập hai Chiến Đoàn 1 và Chiến Đoàn 2; ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chiến Đoàn Trưởng đầu tiên của Chiền Đoàn 1 Nhảy Dù và cũng là tiền thân của Lữ Đoàn 1 thuộc Sư Đoàn Nhảy Dù sau nầy.
Sau chiến thắng trận Tân Châu Hồng Ngự, Thiếu Tướng Cao Văn Viên Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù được đề bạt làm Tham Mưu Trưởng Liên Quân tại Bộ TTM/QLVNCH. Trong buổi lể bàn giao, Thiếu Tướng Viên đã trao gắng cấp bậc Đại Tá và trao Quyền Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù lại cho ông vào ngày 19/6/1964.
Đầu tháng 11/1964, ông được vinh thăng Chuẩn Tướng, chính thức nhậm chức Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù. Ngày Quân Lực 19 tháng 6/1966, ông được vinh thăng Thiếu tướng, và đến Tháng 7 năm 1970, ông được thăng cấp Trung Tướng.
Tướng Dư Quốc Đông có vóc dáng uy nghi, mày rậm, mắt to, cử chỉ hiên ngang. Ông là một sĩ quan can đảm, tài ba, đã từng trải qua nhiều trận chiến ác liệt trên khắp bốn Vùng Chiến Thuật. Ngoài tài hành quân tác chiến, Tướng Đống còn là một người rất nghĩa khí.
Có lần trong cuộc họp Đại Hội Đồng Quân Lực ngày 10/3/1966 dưới sự chủ tọa của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lảnh Đạo Quốc Gia để bầu phiếu buộc tội Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi về việc dung túng những thành phần quá khích ở Vùng I Chiến Thuật, họ biểu tình phản kháng lại Chính Phủ Trung Ương. Hầu hết Tướng lãnh đều bỏ phiếu thuận, chỉ có một phiếu trắng; Trung Tướng Nguyễn Hữu Có đẩy ghế đứng dậy lên tiếng :
-Trong phòng họp nầy, Chúng ta là những người có trách nhiệm trong Đại Hội Đồng với tư cách thay mặt toàn quân, bỏ phiếu thuận hay không thuận, bỏ phiếu trắng trong trường hợp nầy là “lưng chừng” không dứt khoát lập trường. Vậy ai là người bỏ phiếu trắng nên giải thích cho anh em rõ.
Chuẩn Tướng Dư Quốc Đống đứng lên nói:
- Kính thưa Trung Tướng Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, kính thưa qúy vị, tôi là người bỏ phiếu trắng đó. Trung Tướng Thi đã một thời là cấp chỉ huy của tôi trong binh chủng Nhảy Dù nên tôi không thể hành động chống lại Trung Tướng Thi, tôi vẫn biết rằng hành động của tôi không làm thay đổi được quyết định chung cuộc, nhưng tôi vẫn làm vì lẻ đó. Và nếu sau nầy có điều gì xảy ra với Trung Tướng Viên tôi vẫn hành động như tôi vừa làm. Và bây giờ qúi vị toàn quyền quyết định về tôi : “ở hay ra khỏi Nhảy Dù, tôi thi hành ngay” xin cảm ơn qúy vị.
Các tướng lãnh, trong đó có Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Trung Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có ,,, nghe lời nói khí khái hùng hồn của ông ai cũng mến phục (Tướng Thi, Tướng Viên nguyên là Tư Lệnh tiền nhiệm của Sư Đoàn Dù).
Tướng Đống rất thương yêu binh sĩ, nhưng ông lại rất khắt khe với các sĩ quan cao cấp, các vị Tư Lệnh Phó, Lữ Đoàn Trưởng, Trưởng Phòng, Tiểu Đoàn Trưởng rất nể sợ ông. Các sĩ quan cấp tá trở lên mới bị Tướng Đống quở trách, đối với cấp Úy thì ông không nói gì. Nhưng với anh em binh sĩ, ông hết sức nhỏ nhẹ, cặp mắt luôn luôn nhìn họ một cách hiền từ, trìu mến. Ông nghĩ họ là thành phần cực khổ và chịu nguy hiểm nhiều nhất, ông muốn yểm trợ giúp đỡ thật nhiều cho binh sĩ và gia đình họ, giống như người cha lo lắng cho đứa con thân yêu của mình vậy.
Tướng Đống là Tư Lệnh thứ tư của Sư Đoàn Nhảy Dù (từ 1964-1972, sau Đại Tướng Đỗ Cao Trí, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi, Đại Tướng Cao Văn Viên). Trong binh chủng Dù, ông phục vụ lâu năm nhất, chỉ huy từ cấp Trung Đội Trưởng và không hề có thời gian gián đoạn chỉ huy so với các Tư Lệnh khác.
Thời gian ông chỉ huy SĐND là lúc chiến tranh Việt Nam lên tới cực điểm khốc liệt nhất, những trận đánh dữ dội không giản dị như thời còn quân đội Pháp. Nhiều trận giao tranh ở cấp Sư đoàn và phối hợp hành quân tác chiến với các quân binh chủng khác. Dưới quyền lãnh đạo của Tướng Đống, lực lượng Nhảy Dù đã không những mang lại nhiều chiến thắng mà còn làm cho quân lực Đồng Minh phải ngưỡng mộ. Đại Tướng Lindsay, nguyên là cựu cố vấn TĐ8ND đã nói: "Những chiến thắng gần đây ở Grenada và kinh đào Panama do Nhảy Dù Mỹ đem lại chính là chúng tôi đã học hỏi nhiều kinh nghiệm tác chiến của Nhảy Dù Việt Nam..."
Dưới quyền Tướng Đống, binh chủng Dù từ cấp Lữ Đoàn đã trở thành cấp Sư Đoàn, với quân số trên dưới 12.700 gồm 9 tiểu đoàn tác chiến và ba tiểu đoàn pháo binh. Cũng như vị tiền nhiệm là Đại Tướng Trí, người chỉ huy Dù dẹp loạn Bình Xuyên, lúc Thủ Tướng Diệm mới cầm quyền, Tướng Đống chỉ huy SĐND lập nhiều công lớn trong Tết Mậu Thân, trận Ia Drang, Đồi 1416 ở Dakto, cuộc tiến quân sang Kampuchia, trận Hạ Lào, trận An Lộc...
Sau khi bàn giao chức vụ Tư Lệnh Nhảy Dù lại cho Tướng Lê Quang Lưỡng vào cuối năm 1972, ông được Tổng Thống Thiệu đề cử làm Trưởng đoàn thương thuyết trong Ủy Ban Liên Hơp Quân Sự bốn bên thay thế Tướng Ngô Dzu vào ngày 2/2/1973.
Tháng 11 năm 1973 ông nhận chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang.
Tháng 11 năm 1974, Trung Tướng Dư Quốc Đống được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cử giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 3/Quân Khu 3 thay thế Trung Tướng Phạm Quốc Thuần được hoán nhiệm chức vụ để giữ chức chỉ huy trưởng Trường Hạ Sĩ quan Nha Trang mà tướng Đống đảm nhiệm .
Ba tháng sau đó, ông đã xin từ nhiệm, sau khi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bác bỏ lời yêu cầu của ông gởi quân tăng viện đến mặt trận Phước Long là cửa ngõ dẫn vào tới Sài Gòn, mà sau đó đã bị quân Cộng Sản Bắc Việt tràn ngập.
Tướng Đống không còn giữ chức vụ nào nữa cho đến khi ông phải rời Sài Gòn vào ngày 29 Tháng Tư, sau khi nhận thức rằng miền Nam Việt Nam khó có thể đối phó được với cuộc tổng tấn công xâm lược của quân Cộng Sản Bắc Việt, và Sài Gòn đã thất thủ một ngày sau đó.
Sau khi đến định cư tại Hoa Kỳ, Tướng Đống đã có một cuộc sống kín đáo, giản dị, ít khi xuất hiện trước đám đông, và ngay trong gia đình ông cũng ít kể lại chuyện chiến tranh, những chiến công của ông.
Trung Tướng Dư Quốc Đống qua đời vào lúc 3 giờ chiều ngày Thứ Ba 22/4/2008 tại Huntington Beach California hưởng thọ 76 tuổi.
Tài liệu tham khảo :
- Tướng Đống Bàn về Tình Hình Quân Sự Tháng Giêng Năm 1975 tại QĐIII (Thông Tin Tình Báo CIA)trên trang nhà /www.generalhieu.com
- Đôi dòng ghi nhớ hồi ký của Phạm Bá Hoa.
- Ph ỏng vấn các Niên Trưởng Tạ Thái Bình, Nguyễn Phẫm Bường, Nguyễn Tự Bảo, Lê Văn Phát, Đàm Trọng Toàn…
- Một Cánh Hoa Dù của. Trương Dưỡng
- Phỏng vấn trực tiếp các chiến hữu trong SĐND.
(Võ Trung Tín & Nguyễn Hữu Viên)